Nước đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo làn da khỏe mạnh và rạng rỡ. Điều này dễ hiểu khi hầu như công thức mỹ phẩm nào cũng được các nhà bào chế trang bị thêm công dụng bổ sung ẩm. Hiện nay, CẤP ẨM (hydration) và DƯỠNG ẨM (moisturization) là hai khái niệm khá “quen mặt” nhưng vẫn thường bị “nhọc nhằn” trong quá trình chăm sóc da. Mặc dù cả hai đều hướng đến mục đích chống lại tình trạng khô, mất nước, giúp da trở nên mịn mượt, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa và tổn thương da do tác động từ môi trường bên ngoài. Nhưng cấp ẩm và dưỡng ẩm không hoàn toàn giống nhau, phân biệt hai khái niệm này sẽ giúp bạn lựa chọn & tối ưu hóa được các sản phẩm phù hợp với làn da.
PHÂN BIỆT CẤP ẨM & DƯỠNG ẨM
Nước có nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể người, là “nhiên liệu” cần thiết cho quá trình vận hành của các cơ quan, giúp điều chỉnh nhiệt độ, vận chuyển chất dinh dưỡng và duy trì chức năng não bộ… Nước dao động từ 45 – 75% trọng lượng cơ thể và phân bố với lượng khác nhau tùy vào từng bộ phận[1]. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 1945, lượng nước trong tim & não người là 75%, phổi 83%, cơ & thận 75-79%, da 64% và xương khoảng 31%.[2]. Do đó, nước còn đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo làn da khỏe mạnh, căng mượt, rạng rỡ. Dù bạn sở hữu loại da nào, thì cấp ẩm và dưỡng ẩm là những bước chăm sóc da cần phải được lưu ý.
Question & Answer
Q| Uống nhiều nước có giúp da có đủ độ ẩm cần thiết?
A| Uống nước là điều kiện cần để đảm bảo độ ẩm trong da, nhưng chưa đủ “mạnh” để duy trì làn da đủ ẩm trước các tác nhân bên ngoài, đồng thời uống nước không thể thay thế cho bước chăm sóc bằng sản phẩm. Thực tế, nếu bạn không “cấp ẩm” hoặc “dưỡng ẩm” sau khi làm sạch da với chất tẩy rửa thì da vẫn có nguy cơ bong khô, mặc dù bạn uống đủ nước hằng ngày.
Thông thường, để nhận biết một sản phẩm là cấp ẩm hay dưỡng ẩm, bạn có thể dựa vào thông tin trên nhãn:
- Sản phẩm cấp ẩm: Hydrators
- Sản phẩm dưỡng ẩm: Moisturizer
Mục đích của việc cấp ẩm là tìm và kéo nước vào tế bào da. Trong khi đó, dưỡng ẩm có nhiệm vụ ngăn chặn nước “bốc hơi” khỏi da. Vì thế, cấp ẩm luôn được thực hiện trước bước dưỡng ẩm trong quy trình chăm sóc da hằng ngày.
Đơn giản hơn, cấp ẩm đề cập đến hàm lượng nước bên trong tế bào, giúp cho các tế bào căng mọng và tạo ra bề mặt da tươi sáng. Vì một lý do nào đó, nếu nước thoát ra khỏi tế bào, làm các tế bào bị teo lại, lỗ chân lông to, tiết nhiều dầu nhờn, da sẽ trở nên xỉn màu & thiếu sức sống. Mặt khác, dưỡng ẩm đề cập đền hàm lượng dầu tự nhiên trong da, giúp khóa chặt và niêm phong độ ẩm để ngăn ngừa tình trạng mất nước, giúp da duy trì trạng thái mịn màng.
Như vậy cũng có thể hiểu rằng, da khô thiếu nước sẽ cần những sản phẩm cấp ẩm (Hydrators). Ngược lại, da khô thiếu dầu sẽ cần các sản phẩm có vai trò dưỡng ẩm (moisturizer). Nguyên nhân thường là do các lipids tự nhiên không sản xuất đủ để bảo vệ da và khóa ẩm, da khô thiếu dầu thường dễ bong tróc, ngứa, có thể nứt nẻ.
Các sản phẩm cấp ẩm thường có kết cấu dạng lỏng như xịt khoáng, sữa dưỡng – emulsion với khả năng thấm nhanh và không gây nhờn rít sau khi dùng. Sản phẩm dưỡng ẩm có xu hướng dày, nặng, độ nhờn rít cao, hầu như chỉ nằm lại trên bề mặt, không hấp thu qua da nên dễ gây dày bí.
CẤP ẨM – HYDRATION
Thành phần điển hình trong sản phẩm cấp ẩm là các chất hút ẩm (humectants). Những thành phần này hoạt động theo ba cách chính, tương tự như thanh “nam châm” có khả năng hút nước:
- Hút và giữ nước từ chính công thức sản phẩm;
- Hút nước từ các lớp dưới của da lên bề mặt biểu bì;
- Hoặc hút ẩm từ môi trường không khí (khi độ ẩm lớn hơn 70%). Đây cũng là nhược điểm lớn của các hợp chất humectant, khi môi trường bên ngoài khô hanh, độ ẩm thấp sẽ có xu hướng hút nước ngược từ bên dưới da lên bề mặt, gây mất nước và khiến da khô căng, thường gặp ở những người sống ở những khu vực cho khí hậu khô lạnh.
Humectants thường chỉ tạo thành màng mỏng bao phủ bề mặt da nên để lại bề mặt tương đối “nhẹ nhàng”, phù hợp với tất cả loại da, đặc biệt da dầu và hỗn hợp thiên dầu. Tuy nhiên, Humectants sẽ không phù hợp với những làn da khô đến rất khô vì khó cung cấp & duy trì đủ độ ẩm cần thiết.
Chất được sử dụng rộng rãi nhất trong nhóm Humectants là hyaluronic acid, glycerin, sorbitol, AHA phân tử lớn (lactic), panthenol, butylene glycol, propylene glycol, urea, sodium…
DƯỠNG ẨM – MOISTURIZATION
Các chất làm mềm (Emollients) và khóa ẩm (Occlusives) là hai nhóm thành phần thường gặp trong sản phẩm dưỡng ẩm.*
*Một số tài liệu có thể phân loại dưỡng ẩm gồm cả ba nhóm chất: hút ẩm – humectant, làm mềm – emollient và khóa ẩm – occlusive.
a. Chất khóa ẩm (Occlusives)
Occlusives là khái niệm dùng để chỉ những hợp chất có khả năng khóa ẩm, giữ ẩm. Hoạt động bằng cách phủ một lớp giống như hàng rào bảo vệ ngăn chặn không cho độ ẩm thoát qua da, từ đó giảm sự mất nước biểu bì. Các chất khóa ẩm thường gặp là dạng dầu hoặc dạng sáp, có thể kể đến:
- Mineral oil: dầu khoáng, còn được gọi là petrolatum lỏng, parafin lỏng
- Lanolin – một loại dầu có nguồn gốc từ lông cừu
- Beeswax – sáp ong
- Olive oil – dầu olive
- Argan oil – dầu argan
- Jojoba oil – Dầu jojoba
- Safflower oil – Dầu hạt cây rum
- Tamanu oil – Dầu mù u
Mineral oil là loại dầu có khả năng khóa ẩm tốt, nhưng dầu khoáng là phụ phẩm của dầu thô tinh chế để sản xuất xăng và các sản phẩm dầu mỏ khác, do đó có nhiều tranh cãi xung quanh về vấn đề ô nhiễm môi trường, nếu bạn đang băn khoăn thì có thể thử một thành phần có nguồn gốc thực vật như dầu argan, dầu jojoba hoặc dầu cây rum.
Trong nhóm này còn có các silicon (dimethicone, dimethiconone, cyclopentasiloxane), được xem là tương đối “nhẹ” với da, vì vẫn giữ được độ “thoáng” nhất định. Các sản phẩm chứa thuần hợp chất khóa ẩm Occlusives thường chỉ phù hợp với da khô đến rất khô (như chàm, vảy nến…), hạn chế sử dụng trên nền da dầu vì khả năng gây bít tắc cao.
b. Chất làm mềm (Emollients)
Về bản chất, Emollients gần giống với chất khóa ẩm, nghĩa là cũng mang thân dầu và cũng có nguy cơ gây tắc nghẽn. Chất làm mềm vừa có khả năng ngăn ngừa thoát ẩm thông qua việc tạo một lớp màng phủ trên da; vừa có thể vượt qua được hàng rào bảo vệ da tự nhiên, len lỏi vào các khoảng trống giữa các tế bào sừng, “lấp đầy” các vết nứt do tình trạng khô ráp gây ra, đồng thời giúp làm mềm, làm mịn da.
Một số chất làm mềm thường gặp: D-panthenol, ceramide, squalane, Jojoba oil (dầu jojoba), Fatty acids (acid béo)… Trong đó, những chất làm mềm thể chất nhẹ như ceramide, squalane có thể dùng được trên da nhạy cảm hoặc hỗn hợp vì ít gây bít tắc.
“TIPS” LỰA CHỌN SẢN PHẨM PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU LÀN DA
Sản phẩm cấp ẩm phù hợp với da dầu, hỗn hợp thiên dầu vì ít gây bít tắc; còn sản phẩm dưỡng ẩm thì phù hợp với da khô đến rất khô. Điều này đúng nhưng không phải lúc nào cũng “bất di bất dịch”. Không phải lúc nào da dầu nào cũng phải kiếm tìm sản phẩm có dòng chữ “Hydrators”, còn da khô thì phải tìm sản phẩm có chữ “Moisturizer”.
Các sản phẩm trên thị trường bạn có thể gặp các sản phẩm không chứa riêng biệt một nhóm nhất định mà dựa trên sự kết hợp phần trăm (%) các nhóm thành phần: hút ẩm (humectant), làm mềm (emollient) và khóa ẩm (occlusive). Vậy nên cách tốt nhất là bạn nên đọc bảng thành phần để tối ưu hóa việc cung cấp đủ lượng nước theo nhu cầu của da. Dưới đây gợi ý:
Loại da |
Đặc điểm |
Kết cấu sản phẩm gợi | % Chất hút ẩm – Humectant | % Chất làm mềm – Emollient | % Chất khóa ẩm – Occlusive |
Hyaluronic acid, glycerin, sorbitol, AHA phân tử lớn (lactic), panthenol, butylene glycol, propylene glycol, urea, sodium… | D-panthenol, ceramide, squalane, Jojoba oil (dầu jojoba), Fatty acids (acid béo)… |
Mineral oil, lanolin, beeswax, olive oil, argan oil, jojoba oil, safflower oil, tamanu oil… |
|||
Da thường | Thường có độ ẩm tốt, mềm mịn, đàn hồi, lỗ chân lông nhỏ. Phòng ngừa thiếu ẩm là chìa khóa để duy trì làn da đẹp. | Đa dạng: emulsion, serum, gel, gel-cream | ♦ ♦ ♦ ♦ ♦ | ♦ ♦ | Không có hoặc % thấp (♦) |
Da dầu | Da bóng nhờn có thể do tuyến dầu hoạt động quá mức (được kiểm soát chủ yếu bởi hormone androgen) và da tăng tiết dầu do thiếu nước. | Lotion, emulsion essence, serum lỏng sánh | ♦ ♦ ♦ ♦ ♦ | ♦ | – |
Da khô – rất khô | Bề mặt da dễ bong tróc, ngứa, sần sùi, khô ráp và thúc đẩy nhanh tốc độ lão hóa. | Gel-cream, cream, cream đặc | Chứa cả ba nhóm thành phần, đặc biệt là chất khóa ẩm để ngăn chặn tình trạng mất nước tối đa. | ||
Da hỗn hợp
|
Thường đổ dầu ở vùng chữ T, khô ở phần còn lại, đặc biệt hai bên má. Da hỗn hợp nên cần có chế độ chăm sóc kết hợp theo từng khu vực. Hoặc đơn giản hơn: |
||||
+ Hỗn hợp thiên khô | Gel-cream, serum | ♦ ♦ ♦ ♦ ♦ | ♦ ♦ ♦ | – | |
+ Hỗ hợp thiên dầu | Serum lỏng sánh | ♦ ♦ ♦ ♦ ♦ | ♦ | – |
Lưu ý: Da khô là loại da, còn da thiếu nước là tình trạng da. Bất kỳ loại da nào cũng có khả năng thiếu nước do các tác động từ bên ngoài môi trường. Do đó, tất cả các loại da đề cần cấp ẩm.
Question & Answer
Q| Làm sao để xác định % các chất trong công thức sản phẩm?
A| Bạn có thể dựa vào thứ tự xuất hiện của các thành phần trong mục “ingredients” trên nhãn sản phẩm. Thành phần đứng đầu bằng thường chiếm nồng độ cao trong công thức.
Tài liệu tham khảo:
1. Yasushi Ohashi, Ken Sakai, Hiroki Hase, Nobuhiko Joki. “Dry weight targeting: The art and science of conventional hemodialysis”, DOI: 10.1111/sdi.12721
2. H.H. Mitchell, T.S. Hamilton,F.R. Steggerda, H.W. Bean. “The Chemical Composition of the Adult Human Body and its Bearing on the Biochemistry of Growth.DOI:https://doi.org/10.1016/S0021-9258(19)51339-4